Theo các chuyên viên về điện lạnh, nên đặt tủ lạnh ở nơi thông thoáng, hạn chế đặt vào những góc nhà chật hẹp, lưng và hai vách bên hông tủ lạnh phải cách tường chí ít là 10cm để bảo đảm thoát nhiệt. Bởi nhiệt độ xung quanh truyền vào tủ lạnh nhiều sẽ ảnh hưởng khả năng tản nhiệt, điện hao nhiều hơn.
Khi thực phẩm trữ lạnh trong tủ không nhiều, nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình hoặc thấp sẽ tiết kiệm điện hơn. Người tiêu dùng nên sử dụng một nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ lạnh: với buồng giữ lạnh, nhiệt độ ở mức 7 – 8 độ C là đạt, không cần thiết điều chỉnh độ lạnh tối đa. Với ngăn đông lạnh, điều chỉnh nhiệt độ ở mức -18 độ C thay cho -22 độ là vừa đủ.
Nếu thực phẩm trữ lạnh nhiều, khi cho vào tủ lạnh phải sắp xếp có tính toán, chừa các khoảng cách để khí lạnh đối lưu, lượng điện hao tổn giảm xuống. Không nên để thực phẩm bít kín “họng” thổi hơi lạnh ra hoặc chất quá nhiều – ken kín các ngăn trong tủ. Các loại thịt, cá tươi sống… nên cho vào các hộp bằng thép hoặc inox thay thế cho hộp nhựa, bởi tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.
Hạn chế mở cửa tủ lạnh liên tục vì khi mở cửa không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng bên ngoài tủ, làm cho nhiệt độ trong tủ cao lên. Khi đó, bộ phận làm lạnh phải tăng thời gian hoạt động gây hao điện, về lâu dài sẽ dẫn đến hư hỏng tủ.
Cần vệ sinh tủ lạnh khoảng 2 – 3 tháng/lần để vi khuẩn, nấm mốc không có điều kiện phát sinh. Lau chùi phần rìa cao su ở cửa tủ lạnh cẩn thận sẽ giúp phần cao su giữ được độ bền, đóng khít khao, không thất thoát hơi lạnh nhiều làm hao điện.