Những vật dụng, đồ đạc cũ đĩ thường để lại những ấn tượng không đẹp, căn nhà của bạn cũng vậy nó sẽ tích lũy dần dần những mùi khó chịu trong nhà bạn, có thể bạn đã quá quen với những mùi như vậy nên không nhận ra khi có ai đó mách cho bạn. Bạn mới nhận ra rằng ngôi nhà cũ của mình có những mùi như thế nào, mùi của cũ hay những mùi gì khác.
Vậy để cho ngôi nhà cũ của bạn có mùi như mới hay nói cách khác là làm cho nó luôn tươi mới mùi vị thì hãy chú ý tới những cách làm sau đây:
Theo bề mặt
Khử mùi cho nhà cũ cần bắt đầu từ các bề mặt, có thể là ốp lát (thay gạch nền, gạch ốp tường đã xuống cấp cho phù hợp với không gian và tính chất sử dụng hơn) hoặc sơn phết (chống thấm, thay đổi màu sắc theo không gian tương ứng, sơn lại tường và cửa). Tiếp đến là nâng cấp các bề mặt vật dụng (bọc lại nệm ghế, thay kính và gương soi …) và cuối cùng là dùng ánh sáng (đèn, hệ thống cửa) để kích hoạt năng lượng cho các bề mặt cũ. Như vậy, việc làm mới nhà đòi hỏi gia chủ phải có cái nhìn toàn diện và chi tiết, đôi khi còn phức tạp hơn là làm một ngôi nhà mới hoàn toàn, nhưng có một lợi điểm là gia chủ đã qua quá trình thấu hiểu ngôi nhà của mình, biết chỗ nào “bốc mùi” nhất cần chỉnh sửa, biết chỗ nào nên giữ gìn. Trong khi làm nhà mới nếu chưa có kinh nghiệm thì sẽ dễ bị cuốn theo các cố gắng mang tính hình thức, mà chính bản thân gia chủ cũng không kiểm soát nổi (ví dụ: sự phô trương mặt tiền, sử dụng vật liệu đắt tiền nhưng không hiệu quả, mua sắm vật dụng dư thừa…) Khi các bề mặt được chỉnh sửa phù hợp (đơn giản như thuở xưa ông cha ta quét vôi hàng năm) thì không khí trong nhà được biến đổi tích cực ngay, vệ sinh tốt hơn và thấy … thơm tho hơn rất nhiều (cũng do yếu tố tâm lý nữa: nhìn nhà vừa quét vôi mới thấy cảm giác sạch và thơm hơn).
Theo không gian
Phần gắn bó thiết thân nhất với người cư ngụ chính là các không gian riêng tư, trong đó phòng ngủ và phòng vệ sinh là hai không gian cần quan tâm hơn cả. Xu hướng hiện nay là tạo cho không gian riêng tư thật sự thanh khiết, nơi nghỉ ngơi thư giãn tránh trở thành phòng làm việc, sinh hoạt chung hay chỗ tiếp đón bạn bè (dù là bạn thân). Vì việc giao tiếp nhiều và hệ thống thiết bị máy móc sẽ biến phòng riêng thành phòng chung, đủ thứ mùi “vãng lai” sẽ tác động vào. Vì thế, phòng ngủ ngày càng không cần làm rộng mà cần làm tinh gọn (trước kia, nhiều người hay có tâm lý làm phòng rộng rồi … chất đồ vào). Những thiết bị có sóng điện từ và tỏa nhiệt như tivi, máy tính thường không tốt cho giấc ngủ. Nếu muốn đảm bảo tiện nghi và do thói quen sử dụng lâu ngày, có thể vẫn bố trí các thiết bị này nhưng cần tách bạch với khu vực giường ngủ bằng vách ngăn nhẹ, tủ kệ hay làm phòng đệm. Ngay cả tủ quần áo và bàn phấn (với gương soi) cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mùi khó chịu, vì tủ quần áo là một dạng kho, chứa nhiều đồ và thường xuyên phải dọn dẹp thay đổi, nếu có thể cần tách tủ quần áo thành những tủ chuyên dùng, như tủ đồ mặc đi làm, tủ cất tư trang, khoảng móc treo chứa đồ đang mặc dở …
Đối với phòng vệ sinh, việc làm mới có thể không triệt để như phòng ngủ vì các thiết bị và bố cục phòng vệ sinh ít thay đổi, nếu không muốn xáo trộn hoàn toàn. Tuy nhiên, khả năng làm mới thông qua bề mặt (đã nói ở trên) và tăng cường ánh sáng tự nhiên, giảm bớt ẩm thấp sẽ giúp phòng vệ sinh không còn là nơi nặng mùi trong nhà nữa. Việc thường xuyên kiểm tra tuyến thoát nước, hút hầm cầu theo định kỳ và bố trí quạt thông gió sẽ giúp cho phòng vệ sinh giảm thiểu các mùi khó chịu.
Khu vực bếp ăn là nơi tỏa nhiều mùi nhất và cũng đòi hỏi sự chu đáo cẩn trọng trong thiết kế và sử dụng nhất. Cho dù các thiết bị làm bếp, tủ kệ, máy móc có hiện đại đến đâu thì vẫn cần một bố trí hợp lý theo khí hậu và tập quán nấu nướng Việt Nam. Đó là một gian bếp cần nắng gió ra vào đầy đủ ở khu vực bồn rửa, bàn gia công, và đừng quên cái sàn nước “nhà quê” mà rất hữu dụng. Nên chắn gió lùa trực diện bếp nấu, nhưng phải có ống dẫn khói ra ngoài thay vì chỉ phụ thuộc vào hệ thống hút khói khử mùi tiên tiến. Các loại đèn compact diệt khuẩn hiện nay (dùng ôzôn) khá hữu dụng cho các không gian bếp, ăn.
Nhà cũ là nhà đã và đang sử dụng, chứ không phải là nhà bỏ hoang, vì thế nhà cũ có giá trị riêng về không gian và không khí sinh hoạt từ chính việc nó được sử dụng thường xuyên. Miễn là gia chủ và nhà chuyên môn đảm bảo cho ngôi nhà sự thông suốt về kỹ thuật cũng như giảm bớt nguy cơ tích tụ các chất thải, chất gây mùi khó chịu thì những không gian cũ sẽ luôn tươi mới mỗi ngày. Khi các ngôi nhà ngày càng giống nhau, “nhan sắc” nội thất đều thuộc dạng “cao cấp” như nhau thì nơi nào có được mùi hương thú vị, khỏe khoắn dễ chịu hơn, nơi ấy sẽ được những chủ nhà khôn ngoan lựa chọn.