Nếu là một tín đồ thời trang, bạn sẽ không thể không có một BST mũ với các kiểu dáng và chất liệu khác nhau. Bạn cũng sẽ phải nghĩ cách để giặt giũ và bảo quản chúng.
Mũ đơn
Khi giặt mũ đơn nói chung, trước hết tìm một vật gần bằng cái mũ (như một chậu sứ nhỏ). Sau đó trùm mũ lên và giặt, phơi gần khô chỉnh hình dáng lại như cũ để giúp mũ không bị biến dạng.
Mũ bông
Khi giặt mũ bông, tốt nhất là tách riêng phần bông. Phần mũ giặt xong phơi khô, là phẳng, sau đó lấy bông cho vào, lại may theo nguyên dạng.
Mũ da
Bạn có thể dùng củ hành cắt làm 2 miếng và xoa lên mũ da. Dùng vải tẩm xăng và lau khô cũng sẽ cho hiệu quả làm sạch cao.
Mũ dạ
Vết bẩn trên mũ dạ có thể dùng dung dịch hỗn hợp amoniac và cồn với lượng bằng nhau để giặt.
Trước hết, dùng miếng bông tẩm hỗn hợp này lên mũ, chú ý không làm ướt mũ quá, nếu không mũ dễ thay đổi hình dạng. Tiếp theo, dùng khăn khô lau sạch, dùng bàn chải lông chải, rồi phơi khô.
Chỗ còn sờn trên mũ có thể dùng giấy nhám mịn xát qua; cũng có thể xoa lên ít muối, rồi dùng bàn trải cứng chải, mũ chải xong nhìn như mới.
Mũ da hươu
Mũ da hươu nếu không quá bẩn có thể dùng muối tinh xoa giặt, tuy nhiên lượng muối không được quá nhiều để tránh da hươu bị bóng.
Mũ hàng dệt kim
Sau khi giặt, tốt nhất nhét đầy giấy hoặc vải vụn vào trong mũ, sau đó phơi khô để cho mũ khôi phục nguyên dạng và phồng lên. Hiệu quả làm sạch và đẹp đạt mức cao nhất nếu mũ sau khi phơi khô được xông qua nước nóng.
Mũ đan bằng mây lá
Trước khi giặt mũ bằng mây lá, phải lấy ra những vật trang trí, sau đó ngâm mũ vào nước nóng mấy tiếng đồng hồ (mũ lá mây không vì thế mà biến dạng).
Sau khi ngâm, dùng bàn chải chải sạch bằng xà phòng hoặc bằng bột giặt (1 lít nước ấm pha một thìa bột giặt).
Sau khi chải sạch bụi bẩn, có thể dùng dung dịch oxy già (3 lít nước cho một thìa) để giặt.
Sau đó cho mũ lá vào dung dịch có nhiệt độ bằng nhiệt độ phòng, gia nhiệt 50-60 độ C, 30 phút sau lấy ra, dùng nước sạch chải sạch. Sau cùng phơi ngoài trời nắng.
(Theo 1000 mẹo vặt gia đình)