Theo thời gian, một số hoạt động của bộ máy cơ thể người cao tuổi xuất hiện một vài sự thay đổi. Các giác quan suy giảm hơn như mắt nhìn mờ, mũi ngửi kém, cảm giác ở lưỡi cũng không còn tinh nhạy làm cho việc ăn uống kém ngon. Hơn nữa các chân răng bắt đầu yếu, cơ xương hàm teo nhão làm cho sức nhai bị giảm đi khá rõ hàm răng bị hư hỏng, lung lay, rụng dần, cơ nhai bị teo ảnh hưởng đến việc cắn, nghiền thức ăn ở miệng. Trương lực dạ dày giảm, sức co bóp yếu, dịch nước bọt, dịch vị và các men tiêu hóa khác giảm cả về số lượng và chất lượng…
Do hoạt động thể lực giảm, tiêu hao năng lượng cho chuyển hóa cơ bản cũng yếu đi nên nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm theo. Đồng thời các tuyến tiêu hóa, dạ dày ruột, gan đều giảm chức năng dẫn đến việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn bị ảnh hưởng, quá trình đào thải chất độc kém, táo bón xảy ra thường xuyên hơn.
Ăn để dễ hấp thu
Các vi chất dinh dưỡng được tìm thấy rất nhiều trong rau củ quả như: rau bắp cải, rau muống; rau ngót; su su; su hào; cam; quýt; dưa hấu; xoài. Vì vận động của hệ tiêu hóa giảm ở người cao tuổi nên cần thêm lượng chất xơ vào chế độ ăn bằng cách thêm lượng rau củ quả. Với người bình thường lượng rau củ quả khoảng 500g thì với người già lượng này nên duy trì và có thể tăng thêm. Ngoài ra, cần giảm lượng đạm động vật trong các loại thịt mà thay thế vào đó là các loại tôm, cá, sữa. Chỉ nên ăn dưới 150g thịt các loại trong 1 ngày. Để dễ hấp thu và dễ tiêu hóa, chúng ta nên nấu nhừ và cắt nhỏ thức ăn
Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, chế biến các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu. Người già nên nhai chậm, kỹ thức ăn và không nên ăn quá no vào buổi tối vì khi nằm dạ dày căng to đẩy cơ hoành lên chèn ép hoạt động của tim. Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút để giúp dạ dày nhào trộn tiêu hóa thức ăn và chuyển xuống ruột non dễ dàng.